• G20 thắp sáng hy vọng và niềm tin vượt qua COVID-19

Ngày cập nhật: 24/11/2020 16:29 - Số lượng xem: 5740 - Trở về trang tin tức



 



Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) theo hình thức trực tuyến nhằm phối hợp chính sách toàn cầu ứng phó dịch COVID-19 vừa khép lại sau hai ngày họp. Với những kết quả quan trọng và mang tính quyết định, hội nghị đã thắp sáng hy vọng và niềm tin của người dân thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19.



 



* Cú sốc chưa từng có

Đại dịch COVID-19 là một cú sốc chưa từng có, ảnh hưởng đến toàn thế giới chỉ trong một thời gian ngắn, gây thiệt hại về người, kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nước đang phải vật lộn trước các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Theo trang thống kê worldometers.info, đến nay toàn thế giới đã ghi nhận gần 60 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, và gần 1,4 triệu ca tử vong.

    Trong khi đó, kinh tế thế giới đang bị virus SARS-CoV-2 tàn phá nặng nề. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu. Trong đó, IMF cảnh báo quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 khá không chắc chắn và đồng đều, nhất là trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở nhiều nước. Theo IMF nền kinh tế thế giới sẽ hứng chịu những “tổn hại dài lâu” từ cuộc suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái hồi những năm 1930, trừ khi các quốc gia có nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế hơn nữa. IMF cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 có nguy cơ để lại những vết sẹo lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như tăng trưởng sản xuất yếu hơn, gánh nặng nợ nần chồng chất, lỗ hổng tài chính nới rộng, tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng tăng cao hơn.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm nay, đánh dấu đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo rằng đại dịch có thể khiến thêm 114 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực - những người sống với mức dưới 1,90 USD mỗi ngày.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 rất có thể sẽ khiến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu dừng lại vào cuối năm và đa phần các nhà kinh tế nhận định đà phục hồi trong năm tới sẽ yếu hơn dự báo trước đó. Theo cuộc khảo sát được Reuters đối với các nhà kinh tế ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ về 46 nền kinh tế, có rất ít dấu hiệu cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ sớm phục hồi về mức trước đại dịch. Gần 3/4 trong số 150 nhà phân tích tham gia khảo sát đã cho rằng sự gia tăng số ca mắc COVID-19 khiến đà phục hồi gần đây của kinh tế toàn cầu có nguy cơ cao là sẽ dừng lại ngay trong năm nay.

       Còn theo nhà kinh tế phụ trách toàn cầu của HSBC, Janet Henry, tỷ lệ thất nghiệp cao và nợ lớn là những thực tế khó tránh khỏi nhưng cũng có những tác động đến sự bình đẳng, tiềm năng tăng trưởng dài hạn và sự ổn định tài chính. Các dự báo tăng trưởng trung bình cho năm 2020 đối với 65% trong số 46 nền kinh tế đã bị hạ xuống hoặc giữ nguyên và với năm 2021, con số này là 60%. Kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm tới, sau khi giảm 4% trong năm nay.

       Đối với hoạt động thương mại, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay cũng đã khẳng định dịch COVID-19 đã khoét sâu hơn hố ngăn cách về tài trợ thương mại toàn cầu. Việc không được tiếp cận hỗ trợ tài chính cho thương mại đã tác động mạnh nhất tới các nước kém phát triển nhất, vốn phải chịu chi phí cao về giao dịch tài chính.

      Không chỉ gây nhiều thiệt hại vè kinh tế và thương mại, cuộc khủng hoảng y tế này cũng là một phép thử đối với các công ty sản xuất vaccine trên thế giới. Việc làm sao để tiếp cận rộng rãi với vaccine chống COVID-19 chính là cuộc chiến tiếp theo mà thế giới phải đối mặt. Cần tránh bằng mọi giá kịch bản "thế giới hai tốc độ", trong đó chỉ nước giàu được bảo vệ khỏi virus và trở lại cuộc sống bình thường, trong khi nước nghèo bị bỏ lại phía sau và chìm trong dịch bệnh. Theo giới chuyên gia, mặc dù thế giới lạc quan về những tiến bộ đạt được đối với việc phát triển vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm COVID-19, song cộng đồng quốc tế vẫn phải nỗ lực để tạo ra khả năng tiếp cận công bằng và hợp lý đối với những công cụ này cho tất cả mọi người.



 



      * Trách nhiệm và tầm quan trọng của G20

Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước cú sốc lớn từ đại dịch COVID-19, G20 một lần nữa đã thể hiện trách nhiệm và tầm quan trọng của mình. Tại Hội nghị thượng đỉnh với sự chủ trì của Saudi Arabia trong hai ngày 21 và 22/11, các nhà lãnh đạo G20 đã tập trung thảo luận việc sử dụng mọi nguồn lực, sự hợp tác để có thể ngăn chặn đại dịch COVID-19. Các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 trong cuộc chiến cấp bách chống đại dịch COVID-19 hiện nay. Ngoài ra, lãnh đạo các nước cũng thảo luận về việc hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.

Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị lãnh đạo G20 cam kết sẽ "dốc mọi tâm sức" để bảo đảm quá trình phân phối công bằng các loại vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, cũng như hỗ trợ nền kinh tế của các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch toàn cầu này. G20 khẳng định: "Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực để giải quyết những nhu cầu tài chính vào lúc này mà nền y tế toàn cầu cần để hỗ trợ quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối an toàn cũng như hiệu quả các phương pháp điều trị, công cụ chẩn đoán và vaccine ngừa COVID-19. Chúng tôi sẽ dốc sức để bảo đảm quá trình tiếp cận công bằng và hợp lý cho tất cả mọi người".

      Tuyên bố chung cũng nhắc tới những tác động và ảnh hưởng chưa từng có của đại dịch COVID-19 với cuộc sống của người dân trên thế giới, cũng như tới các nền kinh tế. Vì vậy, G20 khẳng định sẽ "phối hợp để bảo vệ mạng sống con người, cung cấp hỗ trợ với trọng tâm đặc biệt vào những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, sóm đưa các nền kinh tế trở lại lộ trình khôi phục tăng trưởng, bảo vệ và tạo ra việc làm mới cho mọi người".

      Cũng trong tuyên bố chung, G20 tuyên bố ủng hộ cơ chế hợp tác đa phương, coi đây là "phương thức hợp tác quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay". Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn hiện thực hóa mục tiêu về môi trường đầu tư và thương mại ổn định, minh bạch, không phân biệt, công bằng, rộng mở, toàn diện và có thể dự đoán được. Chúng tôi cũng muốn duy trì các thị trường mở".

      Sau tuyên bố chung, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz đã đánh giá cao kết quả hội nghị, khẳng định các nước G20 đã thành công trong việc gửi đi thông điệp về hy vọng và yên tâm tới công dân của mình cũng như cộng đồng toàn cầu. Ông bày tỏ vui mừng vì G20 có quan điểm đa phương về vaccine COVID-19 khi ủng hộ các sáng kiến toàn cầu, để vaccine này kịp thời đến được những quốc gia và khu vực nghèo trên thế giới. Theo Quốc vương Salman, dù đây là lần đầu tiên Saudi Arabia giữ chức chủ tịch G20 song nước này đã có thể "vượt lên thách thức" trong bối cảnh xảy ra đại dịch với sự hỗ trợ của các nước thành viên. Ông khẳng định "với vị thế đặc biệt của mình trong khu vực và quốc tế… Saudi Arabia sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong G20 để đạt được sự hợp tác toàn cầu và tìm ra giải pháp cho những thách thức cấp bách nhất của thế giới".

      Quốc vương Saudi Arabia cũng đã trao lại chức chủ tịch luân phiên G20 cho Italy - nước sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh của nhóm này vào năm sau.Các nước G20 chiếm tới 85% GDP toàn cầu. Không thể phủ nhận trong nỗ lực phục hồi kinh tế và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, G20 đã đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hơn 10 năm sau, thế giới lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng COVID-19 không chỉ đe dọa sinh mạng của hàng triệu con người mà còn khiến kinh tế thế giới điêu đứng và hệ thống y tế đứng trước thách thức lớn. Để "bảo vệ" nền kinh tế thế giới trước sự tấn công của đại dịch, các quốc gia G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD đồng thời đã "bơm" 11.000 tỷ USD. Để giảm thiểu những thách thức của đại dịch, các nước G20 cũng đã hỗ trợ khẩn cấp cho các nước đang phát triển, trong đó có cơ chế chung về việc giãn nợ cho các nước có thu nhập thấp. Với những cam kết giá trị tại hội nghị thượng đỉnh lần này, trách nhiệm và tầm quan trọng của G20 một lần nữa được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thế giới vượt qua thách thức từ đại dịch COVID-19./.

 



[Nguồn: TTXVN]